GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng từ năm 1990 đến 2024. Từ mức thấp chỉ vài trăm USD vào đầu thập kỷ 1990, nền kinh tế Việt Nam đã liên tục phát triển nhờ các chính sách cải cách, thu hút đầu tư nước ngoài và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Sự tăng trưởng GDP bình quân đầu người qua các năm không chỉ phản ánh sự gia tăng thu nhập mà còn thể hiện nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng TOPI tìm hiểu về chỉ số GDP của Việt Nam qua các năm nhé.

Vai trò của GDP thu nhập bình quân đầu người

GDP bình quân đầu người là một trong những chỉ số quan trọng nhất trong việc đo lường sự phát triển kinh tế.

Đầu tiên, chỉ số này giúp cung cấp một cái nhìn tổng quan về mức độ ổn định và phát triển của một quốc gia. Khi GDP bình quân đầu người tăng, điều đó thể hiện rằng nền kinh tế đang phát triển, thu nhập người dân cải thiện và mức sống được nâng cao. Ngược lại, GDP bình quân đầu người thấp hoặc giảm có thể cho thấy sự suy thoái kinh tế, thu nhập thu hẹp lại và chất lượng cuộc sống suy giảm.

GDP giúp Chính phủ hoạch định chiến lược kinh tế

Thứ hai, GDP bình quân đầu người còn giúp đánh giá hiệu quả của các chính sách kinh tế mà một quốc gia áp dụng. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách có thể dựa vào chỉ số này để phân tích những thành công hay hạn chế trong chiến lược phát triển kinh tế. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện cơ cấu kinh tế và phân phối thu nhập công bằng hơn.

Thứ ba, GDP bình quân đầu người là một thước đo quan trọng để so sánh sự phát triển giữa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Nó cho phép các nhà kinh tế và các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng mức độ phát triển kinh tế của từng nước.

GDP bình quân đầu người là một chỉ số quan trọng, mang tính chất nền tảng giúp định hướng và đo lường sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2010

Năm 2001, Việt Nam có chỉ số GDP là 513,2 USD. Đến năm 2006 tăng trưởng lên 996,26 USD và đến 2010 thì chỉ số này là 1628,01 USD.

GDP của Việt Nam không ngừng tăng trưởng qua các năm

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Kinh tế trong giai đoạn 2001-2010 đã có sự tăng trưởng ổn định và ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân hàng năm đạt 7,2%. Những thành tựu này phản ánh sự phát triển đáng kể và ổn định của nền kinh tế trong thời kỳ này.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 1990 – 2000

Trong giai đoạn 1990 - 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định từ mức 121,72 USD lên 358,66 USD vào năm 1995 và lên đến 498,58 USD vào cuối năm 2000. Sự gia tăng này phản ánh quá trình đổi mới kinh tế, cải cách thị trường và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của người dân.

Giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân tăng 8,2%/năm. Trong giai đoạn 1996-2000, mặc dù đối mặt với khủng hoảng tài chính khu vực và thiên tai nghiêm trọng, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7%. Trung bình từ năm 1991-2000, GDP tăng trưởng 7,6% mỗi năm.

Đến năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 498,58 USD, đứng thứ 7 trong 11 quốc gia Đông Nam Á và xếp thứ 173 trong số 200 quốc gia trên thế giới.

So sánh GDP bình quân đầu người của Việt Nam với các nước khác

Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 41 trong số 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thứ 5 tại Đông Nam Á về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.743 USD, đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 124 toàn cầu. Trong khi đó, Singapore dẫn đầu Đông Nam Á với khoảng 66.263 USD, xếp thứ 8 thế giới.

Vào năm 2002, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 547 USD, xếp thứ 160/195 toàn cầu. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 3.743 USD, gấp 3,7 lần so với 19 năm trước.

Việt Nam đang tập trung vào phát triển kinh tế bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đến năm 2030, nước này hướng tới mục tiêu đạt GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD và trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại với thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, mục tiêu là trở thành quốc gia phát triển và có thu nhập cao.

Việt Nam là một quốc gia có chỉ số GDP tăng trưởng đều, ổn định. Điều này thể hiện sự phát triển kinh tế của cả nước và mức sống của người dân ngày một nâng cao. Thông qua chỉ số GDP qua các năm sẽ giúp chúng ta biết được những chiến lược kinh tế mà chính phủ đề ra đã đạt hiệu quả và đang từng bước đưa Việt Nam phát triển không ngừng.

Ngày 10/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Với tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là nội dung của Nghị quyết 68/2022/QH15  được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2022.

Theo đó, tại Nghị quyết 68/2022/QH15 đưa ra 15 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cụ thể như sau:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD).

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 - 6,0%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Tại Nghị quyết 68/2022/QH15 Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

2. Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

3. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

4. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

5. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

6. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

7. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

8. Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

9. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

10. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Xem chi tiết tại Nghị quyết 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022.